HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ LUẬT TIẾP CÔNG DÂN; LUẬT KHIẾU NẠI; LUẬT TỐ CÁO
Publish date 08/10/2024 | 14:34  | Lượt xem: 71

LUẬT TIẾP CÔNG DÂN
Tiếp công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Để đổi mới công tác tiếp công dân, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngày 25/11/2013 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã chính thức thông qua Luật Tiếp công dân. Luật Tiếp công dân có hiệu lực thi hànhkể từ ngày 01/7/2014. Những quy định về tiếp công dân tại Chương V của Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11, Chương V của Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Sau đây là một số nội dung cơ bản của Luật Tiếp công dân
Về phạm vi điều chỉnh Khoản 1 Điều 1 Luật quy định: Trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dânNgoài ra, Luật cũng quy định việc tiếp đại diện của cơ quan, tổ chức đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tiếp người nước ngoài đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện như đối với tiếp công dân.
Về trách nhiệm tiếp công dânCác cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân bao gồm: Chính phủ; Bộ, cơquan ngang bộ; tổng cục và tổ chức tương đương; cục; Ủy ban nhân dân các cấp; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Các cơ quan của Quốc hội; Hội đồng nhân dân các cấp; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị -xã hội, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với yêu cầu, quy mô, tính chất hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Căn cứ vào quy định của Luật này, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị -xã hội quy định về việc tiếp công dân trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống mình;
Chính phủ quy định cụ thể việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập.
Về quyền và nghĩa vụ của công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo,kiến nghị, phản ánh có các quyền sau: trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; được hướng dẫn, giải thích về những nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình; khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân; nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có quyền sử dụng người phiên dịch và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Đồng thời có nghĩa vụ: nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tuỳ thân, giấy ủy quyền (nếu có); có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân;
Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân; trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.
Trách nhiệm của người tiếp công dân:
Phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định; yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có đơn hoặc trình bày rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc; có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại,tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày; giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết; trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình ngườicó thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân; yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
LUẬT KHIẾU NẠI
Luật Khiếu nại đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 11/11/2011 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2012. Trong đó có một số nội dung cụ thể như sau:
Điều 5. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại và phối hợp giải quyết khiếu nại
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết khiếu nại được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
2. Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật của mình; nếu trái pháp luật phải kịp thời sửa chữa, khắc phục, tránh phát sinh khiếu nại. Nhà nước khuyến khích việc hòa giải tranh chấp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó.
Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại.
2. Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật.
3. Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định.
4. Bao che cho người bị khiếu nại; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại.
5. Cố tình khiếu nại sai sự thật.
6. Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng.
7. Lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác.
8. Vi phạm quy chế tiếp công dân;
9. Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
Điều 9. Thời hiệu khiếu nại
Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Điều 18. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.
2. Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
Điều 19. Thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương
Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
Điều 20. Thẩm quyền của Giám đốc sở và cấp tương đương
1. Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp;
2. Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
Điều 21. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.
2. Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
3. Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.
LUẬT TỐ CÁO
Luật Tố cáo đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2012
Điều 4. Nguyên tắc giải quyết tố cáo Việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định pháp luật; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.
Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp người tố cáo, tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, việc làm, bí mật cho người tố cáo; bảo đảm quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định xử lý của mình.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm bố trí trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân để tiếp nhận tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh. Việc tổ chức tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo mà không tiếp nhận, không giải quyết theo đúng quy định của Luật này, thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tố cáo Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ thông tin, tài liệu có liên quan đến việc tố cáo có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp 2 thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Gây khó khăn, phiền hà đối với việc thực hiện quyền tố cáo của công dân.
2. Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết tố cáo.
3. Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo.
4. Làm sai lệch hồ sơ vụ việc trong quá trình giải quyết tố cáo.
5. Không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người bị tố cáo.
6. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.
7. Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết tố cáo.
8. Cản trở việc thực hiện quyền tố cáo; đe doạ, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo.
9. Bao che người bị tố cáo.
10. Cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo.
11. Mua chuộc, hối lộ người giải quyết tố cáo; đe doạ, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo.
12. Lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
13. Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.
14. Vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo.
Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo
1. Người tố cáo có các quyền sau đây:
a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình;
c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết tố cáo;
d) Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết;
đ) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập;
e) Được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình;
b) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình;
d) Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo
1. Người bị tố cáo có các quyền sau đây:
a) Được thông báo về nội dung tố cáo;
b) Đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật;
c) Nhận thông báo kết luận nội dung tố cáo;
d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật;
đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra.
2. Người bị tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;
b) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;
c) Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.
Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo
1. Người giải quyết tố cáo có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;
b) Yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo;
c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;
d) Tiến hành các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật;
đ) Kết luận về nội dung tố cáo;
e) Quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Người giải quyết tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo;
b) Áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo, người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo;
c) Không tiết lộ thông tin gây bất lợi cho người bị tố cáo khi chưa có kết luận về nội dung tố cáo;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo;
đ) Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.

NỘI DUNG 1: MỘT SỐ ĐIỂM CẦN BIẾT VỀ KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

I. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI KHIẾU NẠI
1. Quyền của người khiếu nại
a) Tự mình khiếu nại;
b) Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
c) Tham gia đối thọai hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thọai;
d) Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước;
đ, Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;
e) Được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại;
g) Đưa ra các bằng chứng về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó;
h) Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
i) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
k) Khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của luật tố tụng hành chính;
l) Được rút khiếu nại.
2. Nghĩa vụ của người khiếu nại (4 nghĩa vụ)
a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;
b) Trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;
c) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011;
d) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
II. THỦ TỤC KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
1. Hình thức khiếu nại
a) Gửi đơn khiếu nại
Đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm, tên, địa chỉ của người khiếu nại, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức cá nhân bị khiếu nại, nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do nhiều người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
b)Khiếu nại trực tiếp
Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định.
c) Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì thực hiện như sau:
- Trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật này. Việc tiếp nhiều người cùng khiếu nại thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật Khiếu nại năm 2011.
- Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại.
d) Khiếu nại thông qua người đại diện thì người đại diện phải là một trong những người khiếu nại, có giấy tờ chứng minh hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại năm 2011.
2. Trình tự khiếu nại
a) Khiếu nại lần đầu
Người có quyền khiếu nại lần đầu phải khiếu nại đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
- Thời hạn khiếu nại lần đầu là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Nếu quá thời hạn này sẽ không còn quyền khiếu nại.
Trường hợp ốm đau thiên tai, địch họa, đi công tác học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
b) Khiếu nại lần hai
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn không quá 45 ngày.
3. Trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính, tài liệu nội bộ trong cơ quan Nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luậ do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngọai giao.
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
- Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;
- Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;
- Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;
- Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;
- Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
- Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;
- Việc khiếu nại đã được toà án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của tòa án.
4. Thời hạn giải quyết khiếu nại
a) Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu:
Không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với việc phức tạp, thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý;
b) Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai:
Không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.
5. Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại
a/ Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần đầu
- Người giải quyết khiếu nại lần đầu có các quyền sau:
+ Yêu cầu người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để làm cơ sở giải quyết khiếu nại.
+ Quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp theo quy định tại Điều 35 của Luật Khiếu nại năm 2011.
- Người giải quyết khiếu nại lần đầu có các nghĩa vụ sau:
+ Tiếp nhận khiếu nại và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan Thanh tra Nhà nước cùng cấp về việc thụ lý giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại.
+ Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính khi người khiếu nại yêu cầu.
+ Tổ chức đối thọai với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
+ Gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết khiếu nại của mình; trường hợp khiếu nại do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến thì phải thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó biết.
+ Cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại khi người khiếu nại yêu cầu, cung cấp hồ sơ giải quyết khiếu nại khi người giải quyết khiếu nại lần hai hoặc tòa án yêu cầu…
b/ Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần ha
- Người giải quyết khiếu nại lần hai có các quyền sau:
+ Yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để làm cơ sở giải quyết khiếu nại;
+ Quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp;
+ Triệu tập cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan tham gia đối thọai;
+ Trưng cầu giám định;
+ Tham khảo ý kiến của Hội đồng tư vấn khi xét thấy cần thiết
- Người giải quyết khiếu nại lần hai có các nghĩa vụ sau đây:
+ Tiếp nhận, thụ lý, lập hồ sơ vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết
+ Kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại;
+ Tổ chức đối thọai với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
+ Ra quyết định giải quyết khiếu nại và công bố quyết định giải quyết khiếu nại;
+ Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại khi người khiếu nại, người bị khiếu nại hoặc tòa án yêu cầu.
III. NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC
1/ Quyền và nghĩa vụ của luật sư, trợ giúp viên pháp lý
a) Luật sư, trợ giúp viên pháp lý có các quyền sau:
Tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại theo đề nghị của người khiếu nại;
- Thực hiện quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi được ủy quyền;
- Xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại theo yêu cầu của người khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại;
- Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước.
b)Luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia giải quyết khiếu nại có nghĩa vụ sau đây:
- Xuất trình thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý và quyết định phân công trợ giúp pháp lý, giấy yêu cầu giúp đỡ về pháp luật hoặc giấy ủy quyền của người khiếu nại;
- Thực hiện đúng nội dung, phạm vi mà người khiếu nại đã ủy quyền.
2/ Khởi kiện vụ án hành chính tại toà án
Người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính trong những trường hợp sau:
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền hoặc khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn nói trên có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn nói trên có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày.
NỘI DUNG 2: MỘT SỐ ĐIỂM CẦN BIẾT VỀ TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO
I. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI TỐ CÁO, NGƯỜI BỊ TỐ CÁO VÀ NGƯỜI GIẢI QUYẾT TỐ CÁ
1/ Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo
a) Quyền của người tố cáo:
- Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết tố cáo;
- Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập;
- Được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
b) Nghĩa vụ của người tố cáo
- Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình
- Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình;
- Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
2/ Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cá
a) Quyền của người bị tố cáo:
- Được thông báo về nội dung tố cáo;
- Đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật;
- Nhận thông báo kết luận nội dung tố cáo;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật;
- Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra;
b) Nghĩa vụ của người bị tố cáo
- Giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;
- Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;
- Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.
3/ Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo
a) Quyền của người giải quyết tố cáo:
- Yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;
- Yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo;
- Tiến hành các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật;
- Kết luận về nội dung tố cáo;
- Quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
b) Nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo:
- Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo;
- Áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo, người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo;
- Không tiết lộ thông tin gây bất lợi cho người bị tố cáo khi chưa có kết luận về nội dung tố cáo;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về giải quyết tố cáo;
- Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.
II. THỦ TỤC TỐ CÁO, THẨM QUYỀN, THỜI HẠN GIẢI QUYẾT TỐ CÁO
1. Hình thức tố cáo
a) Gửi đơn tố cáo:
Người tố cáo gửi đơn trực tiếp đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo. Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của từng người tố cáo, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tố cáo; họ, tên người đại diện cho những người tố cáo để phối hợp khi có yêu cầu của người giải quyết tố cáo.
b) Tố cáo trực tiếp:
Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung tố cáo. Trường hợp nhiều người đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo.
2. Thẩm quyền, thời hạn giải quyết tố cáo
a) Thẩm quyền giải quyết tố cáo
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết;
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết;
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết;
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
b) Thời hạn giải quyết tố cáo
- Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo;
- Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.
c) Tố cáo tiếp, giải quyết vụ việc tố cáo tiếp
Trường hợp quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết hoặc có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có trách nhiệm giải quyết tố cáo.
3. Xử lý kết luận nội dung tố cáo
Sau khi có kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo tiến hành xử lý như sau:
- Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm quy định trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì phải thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người bị tố cáo biết, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật;
- Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm quy định trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật;
- Người giải quyết tố cáo phải gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo. Việc gửi văn bản phải bảo đảm không tiết lộ thông tin về người tố cáo và bảo vệ bí mật nhà nước;
- Trong trường hợp người tố cáo có yêu cầu thông báo kết quả giải quyết tố cáo thì người giải quyết tố cáo gửi thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo. Thông báo kết quả giải quyết tố cáo phải nêu rõ kết luận nội dung tố cáo, việc xử lý người bị tố cáo, trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước;
- Người giải quyết tố cáo phải gửi kết luận nội dung tố cáo cho cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan cấp trên trực tiếp.